Hương nhang - Cảm nhận Thiên nhiên nhờ làn khói từ cây cỏ
- Kiến-thức
- 04-01-2018
Nguyên văn: Incense - Smelling Nature from plant-derived smoke, Gayil Nalls (Ph.D.), Psychology Today (psychologytoday.com), 12/12/2012.
Ta không thể biết hoa gì dưới gót,
Hay mùi hương dìu dịu nán trên cành,
Nhưng ta đoán trong màn đêm hương ngát.
John Keats [1]
Vai trò của mùi hương đối với phẩm chất, sự lành mạnh và bổn phận của đời sống chúng ta không thể coi thường. Trong thiên nhiên, các phân tử dễ bay hơi trong không khí không chỉ kích thích sự phản ứng của bộ máy cơ thể và trải nghiệm của tri giác, các hợp chất có mùi thơm còn làm biến chuyển tâm trạng, tính cách và khả năng nhận thức. Nó có khả năng chữa lành. Bản chất của sự cảm thụ giống như cái mà thi sĩ và học giả cổ điển người Anh Thomas Gray (1746 – 1771) đã miêu tả: “tiếng êm dịu của buổi sớm đang phả hương”.
Nhưng làm sao để những hương thơm quý báu này – chất bổ của hạnh phúc và sức khỏe – kéo dài và có sẵn để dùng khi cần?
Ở khắp nơi trên thế giới, tổ tiên của chúng ta xưa kia dùng khói từ cây cỏ trong lễ nghi, tôn giáo và chữa bệnh. Họ thu góp gỗ, rễ cây, nhựa cây và quả mọng từ hàng trăm loài cây và dùng chúng để giao tiếp với sự biểu hiện thầm lặng, nhưng mạnh mẽ, của thiên nhiên. Trong nhiều thế kỷ, con người chúng ta đã theo hương nhang đi vào các chốn trong tâm trí, đến những cõi vượt ra ngoài sự cảm thụ của giác quan. Tất cả các nền văn hóa có vẻ tin rằng hương nhang không chỉ mang lại khoái cảm hiếm có, mà kinh nghiệm tiếp thu được về các hợp chất có hương thơm làm tăng sự nhận thức bản thân, và bằng cách này, gia tăng trí tuệ.
Các loại cây dùng làm nhang được lựa chọn vì mùi hương của nó và màu của khói, vì công dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền, vì vệ sinh, để đuổi côn trùng và để báo giờ. Thêm nữa, nhiều loại cây thơm được dùng vì có đặc tính như chất gây ảo giác. Ví dụ, tác dụng vào tâm trí của nhũ hương [2] đã được công nhận trong nhiều thế kỷ vì người ta thấy rằng nó làm cho tinh thần hưng phấn trong các nghi lễ văn hóa và tôn giáo. Nghiên cứu cây này cho thấy chất incensol acetate (IA) – thành phần trong nhũ hương – tạo ra hoạt động giống như sự chống suy nhược nhờ khởi động các đường truyền ion TRPV3 trong não. Người dân ở Nạp Mê Tỉ Á (Namibia) đốt nhang làm từ nhựa thơm commiphora mutijuga thuộc họ trám và cũng có đặc tính gây ảo giác.
Khoa học cũng xác nhận rằng nhiều thành phần khác trong nhang làm tăng hoạt động của vỏ não. Ngày nay, người da đỏ ở Mỹ vẫn đốt cây xô thơm để làm sạch không khí và làm tăng sự minh mẫn. Người dân ở Bất Đạn (Bhutan) và Mông Cổ vẫn đốt cây bách xù trong các nghi lễ thanh tẩy. Nó cũng được dùng ở Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya), miền Bắc của Ba Cơ Tư Thản (Pakistan), Cát Nhĩ Cát Tư Tư Thản (Kyrgyzstan) và Tháp Cát Khắc Tư Thản (Tajikistan) mà người ta gọi là archa (cây bách). Nó thỉnh thoảng được dùng để chữa hệ hộ hấp. Nhũ hương vẫn được dùng ở Dã Man (Yemen), Tố Mã Lý (Somalia) và Ai Cập (Egypt) cũng như trong Giáo hội Công giáo La Mã. Các chất nhựa thơm như nhũ hương được trộn với các nguyên liệu khô, gỗ chẳng hạn, rồi đốt lên.
Sự hấp dẫn phổ biến của hương nhang không thể phủ nhận. Ở Ba Lâm (Bahrain), Khoa Uy Đặc (Kuwait), Tô Đan (Sudan) và Nam Dương (Indonesia), gỗ đàn hương vẫn được dùng làm hương nhang theo truyền thống mặc dầu cây sắp tuyệt chủng. Nhũ hương và nhiều loại cây cho nhựa khác cũng sắp tuyệt chủng vì bị khai thác quá nhiều. Ở Malawi, người ta dùng tuyết tùng. Và ở xứ Nguy Gian (Guiana) của Pháp, người ta hay đốt vỏ cây bạch chỉ. Ở Senegal, họ đốt rễ cây cói-đốt. Phụ nữ thường lấy nó để dùng trong nhà vì người ta tin rằng nó kích thích tình dục. Nhật Bản có lịch sử lâu đời dùng gỗ tự nhiên để thưởng thức hương thơm. Họ xem nó là nghệ thuật cao quý, được thực hành như một trải nghiệm tao nhã của giác quan trong một nghi thức gọi là Kodo.
Gale Largey và Rod Watson nói trong bài tiểu luận của họ – Xã hội học về mùi hương – rằng “các tôn giáo có truyền thống dùng hương nhang để tạo ra ‘mùi hương của sự thiêng liêng’, không khí ‘linh thiêng’ giữa các tín đồ. Nó được đốt lên để cả nhóm có thể chia sẻ cùng một trải nghiệm”. Trầm hương, đinh hương, đàn hương trong Phật giáo được dùng chung với tỉ lệ khác nhau hiện nay. Phạn Đế Cương (Vatican) nói rằng nhựa thơm từ cây là nguyên liệu chính trong hương dành cho Giáo hoàng.
Ở Ái Nhĩ Lan (Ireland), than bùn (bao gồm lá cây, cây cỏ, nước và gỗ nén lại trong đất), được dùng làm nhiên liệu từ lâu, đã trở thành hương thơm có ý nghĩa. Trong khi vẫn được làm nhiên liệu, nó cũng được đốt làm hương của sự bồi hồi.
Những hương thơm tự nhiên này không thể thay thế bằng hương nhân tạo thấy ở khắp nơi. Hương được sản xuất chỉ để thu lợi-tức chỉ có 20% nguyên liệu tự nhiên kết hợp với 35% hương liệu, nghĩa là giống như dầu thơm, nó là nhân tạo và không thể biết được mức độ độc của các hóa chất được sử dụng. Phần còn lại của cây nhang gồm có chất dính và que (45%). Đã có rất nhiều bằng chứng về sự nguy hại đối với sức khỏe của những sản phẩm này, bao gồm bệnh hô hấp và ung thư.
Nếu bạn muốn tiếp tục tập quán lâu đời này là nuôi dưỡng khả năng nhận thức khoái lạc và lợi ích của thiên nhiên sâu sắc hơn, bạn có thể đốt các loại cây, thảo dược và gỗ tự nhiên phổ biến ở Hoa Kỳ như: tuyết tùng, thông, bách trong lư hương. Sự tao nhã gợi cảm của thiên nhiên ở đó để bạn cảm thụ.
______________________________
Chú giải:
[1] John Keats (1795 – 1821) là thi sĩ người Anh. Đoạn thơ được trích từ bài thơ "Ode of The Nightingale" của ông. Đoạn thơ tiếng Việt được lấy từ bản dịch “Hoài khúc sơn ca” của Đông Yên Lương Tấn Lực.
[2] Nhũ hương là nhựa thơm từ cây boswellia mọc ở Ấn Độ, Bắc Phi và Trung Đông. Nó được dùng làm nhang và dầu thơm.