Khói thiêng: Lý do người Công giáo dùng nhang trong thờ phụng

Nguyên văn: Holy Smokes: Why Catholics Use Incense in Worship, Gretchen Filz, www.catholiccompany.com, 10/09/2017

Trong thánh lễ Tạ Ơn và những nghi lễ khác, chúng ta thấy các linh mục và người phục vụ bàn thờ đung đưa lư hương, đưa những đám mây hương phảng phất trong không khí. Trong nghi lễ Công giáo, mọi thứ đều là biểu tượng của một lý lẽ thần học.

Vậy, nhang là biểu tượng cho cái gì?

Nhang được dùng trong nghi lễ Công giáo từ những thế kỷ đầu. Trên thực tế, nó là một phần trong truyền thống của người Do Thái đã có trước đó, một tập quán đã được chính Chúa hạ lệnh và được ghi trong Thánh Kinh.

Nhang trong Kinh Cựu Ước [1]

Chúa ra lệnh cho Moses làm một bàn thờ có nhang để thờ phụng trong lều tạm [2]:

Ngươi sẽ lập một bàn thờ để thắp nhang trên đó; ngươi sẽ làm bằng gỗ keo... Và Aaron sẽ thắp nhang thơm trên đó; mỗi buổi sáng, khi ông ta sửa soạn đèn bàn, ông ta sẽ thắp nó và khi Aaron sắp đặt các đèn bàn buổi chiều, ông ta sẽ thắp nó – một loại hương bất diệt dâng trước Chúa qua các thế hệ của ngươi. (Xuất Hành 30:1-10) [3]

Chúa cũng chỉ cách nên làm nhang như thế nào – một “công thức thiêng liêng”:

Thiên Chúa nói với Moses: “Hãy lấy những chất thơm: tô hiệp hương và loa yểm hương và phong chi hương, chất thơm này với nhũ hương nguyên chất, mỗi thứ có lượng bằng nhau, được trộn thành nhang giống như cách của thợ làm hương, thêm muối, trong sạch và thiêng liêng; và ngươi sẽ tán nhỏ ra và đặt một phần trong buổi chứng thực trong căn lều họp mặt – nơi mà ta sẽ gặp ngươi; nó sẽ là vật thiêng liêng nhất đối với ngươi. Và nhang mà ngươi sẽ làm theo công thức đó, ngươi sẽ không làm cho bản thân ngươi; đối với ngươi nó sẽ là vật thiêng dành cho Chúa. Bất kể ai làm nhang như thế để làm chất thơm cho bản thân sẽ bị khai trừ khỏi cộng đồng.” (Xuất Hành 30:34-38)

Từ những đoạn văn này và những đoạn khác, chúng tôi luận ra rằng nhang đã là một phần của nghi thức thanh tẩy trong không gian thiêng liêng của lều tạm, làm nó thành nơi xứng đáng cho việc thờ phụng Chúa, theo lời Ngài. Trong thực tế, nhũ hương, được nhắc đến trong Thánh Kinh, nay được biết có tính khử trùng và tẩy uế.

Chúa đã trao cho Moses những chỉ dẫn cụ thể vì việc thờ phụng Chúa của dân Israel trong lều tạm của Ngài ở trần thế đã là kiểu mẫu thờ phụng Chúa của các thiên thần nơi ngai Chúa trên thiên đàng. Nghĩa là, việc thờ phụng nơi trần thế phải giống với việc thờ phụng ở thiên đàng.

Nhang trong Kinh Tân Ước [5]

Việc dùng nhang cũng được ghi trong Kinh Tân Ước. Nhũ hương là một trong những món quà quý giá mà Ba Vua [4] mang tới để tỏ lòng tôn kính Jesus hài đồng, là dấu hiệu cho vai trò linh mục, sau vai trò tiên tri và vua, của Ngài.

Trong các bản giải thích về thiên đàng trong sách Khải Huyền, Thánh John Tông Đồ ghi lại rằng ông thấy nhang được dùng ở ngai Chúa trên thiên đàng:

Ở giữa ngai và bốn sinh vật và giữa những người già, tôi thấy một con cừu con đang đứng, trông như đã bị giết, có bảy sừng và bảy mắt, là bảy thần khí của Chúa được gởi đi khắp thế gian. Nó đi tới và lãnh cuộn giấy từ tay phải của đấng ngự trên ngai. Và khi nó lãnh cuộn giấy xong, bốn sinh vật và 24 người già sấp mình trước con cừu con, mỗi người cầm một đàn hạc và những chén bằng vàng đựng đầy nhang, là những lời cầu nguyện của các thánh. (Khải Huyền 5:6-8)

Trong đoạn văn trên, nhang được xem như là những lời cầu nguyện của các thánh. Trong đoạn dưới đây, nhang được thêm vào lời cầu nguyện của các thánh bởi một thiên thần, nêu bật sự dàn xếp của các thiên thần trong việc thờ phụng Chúa:

Một thiên thần khác cầm lư hương bằng vàng đến và đứng tại bàn thờ; và người được ban nhiều nhang để hòa với lời cầu nguyện của tất cả các thánh trên bàn thờ bằng vàng trước ngai; và khói nhang dâng lên cùng với lời cầu nguyện của các thánh từ bàn tay của thiên thần trước Chúa. (Khải Huyền 8:3-4)

Nhang trong nghi lễ Cơ Đốc giáo [6]

Từ những đoạn văn trong Thánh Kinh Công giáo trên kia, trong cả Cựu và Tân Ước, ta có thể thấy rằng nhang là phần quan trọng trong việc thờ phụng Chúa nơi trần thế, người Do Thái thực hành đầu tiên và được tín đồ Cơ Đốc giáo kế tục.

Khói nhang là biểu tượng của sự thánh hóa và sự thanh tẩy, cũng là biểu tượng của những lời cầu nguyện của tín đồ. Nó là một trong những dấu hiệu của thế giới tâm linh và đó là lý do nó quan trọng trong nghi lễ của Cơ Đốc giáo. Hai ý nghĩa này cho thấy một sự thật sâu sắc hơn, rằng lời cầu nguyện, chính nó, làm ta trong sạch và thiêng liêng, làm ta xứng đáng thờ phụng Chúa ở thiên đàng vĩnh viễn với tất cả thiên thần và thánh.

Nhiều nhà bình luận Thánh Kinh chứng minh lều tạm trong Kinh Cựu Ước là hình mẫu của chúng ta – con người – như là những ngôi đền hay nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần. Trước khi chúng ta ngụ với Chúa nơi vĩnh hằng, chúng ta cần sự thanh tẩy và sự thánh hóa, là loại bỏ tội lỗi. Một trong những cách để việc này diễn ra là cầu nguyện.

Ý nghĩa tâm linh rõ ràng trong các sách Khôn Ngoan của Kinh Cựu Ước, trong đó lời cầu nguyện có liên hệ với sự thanh tẩy, làm cho lời cầu nguyện của chúng ta thành hương thơm bay đến Chúa:

Hãy để lời cầu nguyện của tôi như hương trước mặt Ngài và đôi bàn tay giơ lên của tôi là sự hiến tế buổi chiều! (Thánh Thi 141:2)

Hãy nghe lời ta, hỡi những đứa con thiêng, hãy như đóa hồng lớn lên bên dòng nước; như nhũ hương tỏa hương và như bách hợp trổ bông. Hãy làm hương lan tỏa và hát thánh ca ngợi ca Chúa; tôn sùng Chúa vì mọi việc Ngài làm. (Huấn Ca 39:13-14)

Hương nhang nhắc chúng ta cầu nguyện

Khi ta thấy nhang trong nhà thờ, nó nhằm nhắc nhở ta về thiên đàng và rằng việc thờ phụng Chúa trong nghi lễ Cơ Đốc có nguồn gốc từ Chúa. Nó cũng nhắc ta cầu nguyện và rằng lời cầu nguyện của ta bay đến Chúa như khói từ lư hương, làm trong sạch sự thờ phụng của ta với Chúa và để cho thần khí của Ngài vận động trong ta để làm ta thiêng liêng.

“Nhang thêm sự long trọng và sự huyền bí vào thánh lễ Tạ Ơn. Hình ảnh thấy được của khói và hương nhắc ta tính siêu việt của thánh lễ Tạ Ơn – nơi kết nối thiên đàng với trần thế và đưa chúng ta đến trước Chúa”, theo lời Cha William Saunders.

Đoạn ghi hình dưới đây cho thấy lư hương khổng lồ nổi tiếng thế giới trong nhà thờ Thánh James (Santiago de Compostela) ở Tây Ban Nha.

Nghi thức Hiến Tế trong thánh lễ Tạ Ơn vượt qua không gian và thời gian và nhang giúp người thờ phụng tiến vào thế giới vĩnh hằng thông qua các giác quan bên ngoài.

______________________________

Chú giải của người dịch:

[1] Kinh Cựu Ước là phần đầu tiên trong Thánh Kinh của Cơ Đốc giáo, kể về lịch sử của dân Do Thái và mối liên hệ của họ với Thượng Đế (Thiên Chúa). Phần còn lại là Kinh Tân Ước.

[2] Lều tạm là lều được người Do Thái dựng tạm để thờ Thượng Đế khi họ đi trong hoang mạc.

[3] Vị trí của đoạn văn trong Thánh Kinh của Cơ Đốc giáo. Ví dụ, “Xuất Hành 30:1-10” nghĩa là đoạn trích là câu 1 đến câu 10 của chương 30 trong sách có tựa là Xuất Hành của Thánh Kinh. Thánh Kinh gồm có nhiều sách có tựa khác nhau.

[4] “Ba Vua” (Three Kings) là cách gọi ba vị thông thái từ phương Đông trong Thánh Kinh. Khi Chúa Jesus giáng sinh, ba vị đã đến thăm và tặng những món quà quý báu để tỏ lòng tôn kính.

[5] Kinh Tân Ước là phần thứ hai của Thánh Kinh, sau Kinh Cựu Ước, của Cơ Đốc giáo, kể về cuộc đời và truyền lại lời dạy của Chúa Jesus – đấng cứu thế.

[6] Cơ Đốc giáo là tên theo âm Hán – Việt của Ki-tô giáo; bao gồm các đạo tôn thờ Chúa Jesus (cũng là Thượng Đế) như: Công giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo, Anh giáo, v.v.

 

0886 203 370 | nhangsach.shop@gmail.com
Prev

Lý do nhang không chỉ để trang trí trong hành thiền, nghiên cứu khám phá ra những lợi ích đối với trí óc

Next

Cốt lõi của giáo huấn Phật giáo là gì?